Ngày 24/04/2018, Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức hội thảo: “Khai thác giá trị ngôn ngữ và văn hóa của sử thi Êđê ứng dụng vào giáo dục và đào tạo ở Tây Nguyên”. Đây là đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ. Mã số: B2017-TTN-03, do TS. Nguyễn Minh Hoạt làm chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có đồng chí H’ Loanh Niê – Ban nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc tỉnh Đắk Lắk, ThS. Lê Thị Thắm – giảng viên thanh nhạc Trường cao đẳng văn hóa – Nghệ thuật Đắk Lắk, đồng chí Trần Hữu Phước – Giám đốc TTGDTX&DN huyện Lắk; về phía Trường Đại học Tây Nguyên có PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó bí thư Đảng ủy – Phó Hiệu trưởng – Chủ trì Hội nghị, ThS. Phạm Trọng Lượng – Trưởng phòng CTCT&HSSV, ThS. Kiều Mạnh Hùng – Trưởng khoa Dự bị - Tạo nguồn, Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Sư phạm tham dự.

Sử thi Tây Nguyên là một kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú và độc đáo. Nó như cuốn bách khoa toàn thư về lịch sử văn hóa các dân tộc người ở Tây Nguyên. Sức hấp dẫn của thể loại văn học dân gian này là đã tái hiện những chiến công kỳ vĩ, phi thường của người anh hùng trong quá trình vận động, phát triển của cộng đồng. Đó là sự kết tinh không chỉ của thành tựu văn hóa, lịch sử, xã hội của cộng đồng mà còn đánh dấu sự trưởng thành trong nhận thức, tư duy của nhân loại trong những chặng đường tiến hóa của mình.

Thông qua hội thảo này giúp cho cộng đồng hiểu được giá trị ngôn ngữ và giá trị văn hóa to lớn của sử thi Êđê. Những giá trị đó tác động tích cực vào đời sống cộng đồng đáp ứng nhu cầu cần thiết của đời sống tạo điều kiện ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh – quốc phòng trong khu vực. Từ đó phân tích, lí giải, hệ thống hóa các giá trị ngôn ngữ và văn hóa của sử thi Êđê để ứng dụng vào chương trình giáo dục và đào tạo ở Tây Nguyên. Đồng thời có biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị đích thực của nó.

 Những tham luận được trình bày tại Hội thảo đã phần nào giúp cho chúng ta hiểu được những giá trị của sử thi: “Văn hóa giao tiếp của người Êđê qua sử thi Êđê” – PGS.TS. Đoàn Thị Tâm – Trường Đại học Tây Nguyên, “Tập quán pháp trong sử thi Êđê” – TS. Y Tru Aliô và TS. Nguyễn Minh hoạt – Trường Đại học Tây Nguyên, “Ứng dụng giá trị ngôn ngữ và văn hóa của sử thi Êđê vào giáo dục và đào tạo ở Tây Nguyên” – Trần Hữu Phước – TTGDTX huyện Lắk, “Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ và văn hóa của sử thi Êđê” – ThS. Lê Thị Thắm – Trường Cao đẳng VH-NT Đắk Lắk.

TS. Nguyễn Minh Hoạt chủ nhiệm

PGS.TS. Đoàn Thị Tâm trình bày tham luận: “Văn hóa giao tiếp của người Êđê qua sử thi Êđê”

TS. Nguyễn Minh hoạt thay mặt nhóm trình bày tham luận: “Tập quán pháp trong sử thi Êđê”

Tại hội thảo, các thành phần tham dự đã có những đóng góp ý kiến quan trọng cho nội dung nghiên cứu đề tài và ứng dụng các giá trị của Sử thi Ê đê vào công tác giáo dục và đào tạo ở khu vực Tây Nguyên. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học sẽ góp phần quan trọng vào Chương trình Giáo dục địa phương cho ngành giáo dục và đào tạo của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

Một số ý kiến trình bày tại hội nghị

Trung tâm Thông tin