Sáng ngày 21/5, tại Trường Đại học Tây Nguyên, Ban Điều phối Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Khu vực Tây Nguyên đã tổ chức cuộc họp tổng kết giai đoạn 2022 – 2025 và đề xuất định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Tham dự buổi tổng kết có TS. Kim Wimbush – Tham tán Tổ chức CSIRO, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation; bà Jennifer Kelly – Trưởng dự án Thực phẩm và Nông nghiệp chống chịu với biến đổi khí hậu; bà Michaela Cosijn – Chuyên gia CSIRO; bà Vũ Hương Mai – Quản lý đối tác của CSIRO; cùng đại diện Ban Quản lý Diễn đàn ĐMST Khu vực Tây Nguyên của 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phát triển. Về phía Trường Đại học Tây Nguyên, có PGS.TS. Lê Đức Niêm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng lãnh đạo và chuyên viên Phòng Khoa học và Quan hệ Quốc tế.
TS. Kim Wimbush – Tham tán Tổ chức CSIRO, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation và PGS.TS. Lê Đức Niêm – Phó Bí thư ĐU – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên chủ trì buổi tổng kết
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Lê Đức Niêm – Phó Bí thư ĐU – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, nhấn mạnh: “Đây là dịp để cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu từ quá trình triển khai diễn đàn trong 3 năm qua, đồng thời đề ra định hướng chiến lược cho giai đoạn sắp tới nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ở Tây Nguyên.”
PGS.TS. Lê Đức Niêm – Phó Bí thư ĐU – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu khai mạc buổi tổng kết
Diễn đàn ĐMST Khu vực Tây Nguyên là sáng kiến hợp tác giữa UBND năm tỉnh Tây Nguyên và Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối Thịnh vượng chung (CSIRO – Úc), trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation. Diễn đàn nhằm thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững cho khu vực.
TS. Kim Wimbush – Tham tán Tổ chức CSIRO, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation phát biểu tại buổi tổng kết
Giai đoạn 2022 – 2025, Diễn đàn đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, nổi bật là tăng cường kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã; nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; phổ biến chính sách và thông tin liên quan đến đổi mới sáng tạo. Những nỗ lực này đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức về ĐMST trong cộng đồng, đặc biệt là nhóm hoạch định chính sách và giới nghiên cứu khoa học. Diễn đàn cũng tạo điều kiện cho đối thoại đa chiều, khuyến khích sự chia sẻ, liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.
TS. Tống Thị Lan Chi – Phó trưởng phòng KH và QHQT trình bày báo cáo tổng kết Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022 – 2025 định hướng giai đoạn tiếp theo
Định hướng cho giai đoạn tiếp theo, Diễn đàn ĐMST sẽ tiếp tục thúc đẩy liên kết hợp tác, đặc biệt tập trung vào triển khai các sáng kiến và giải pháp đổi mới cho ngành cà phê và trái cây – hai ngành chủ lực của khu vực Tây Nguyên, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp thích ứng, thông minh và bền vững; tổ chức các hoạt động học thuật và kết nối tri thức; đồng thời triển khai Cuộc thi Đổi mới sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu cho ngành cà phê.
Bà Jennifer Kelly - Trưởng dự án thực phẩm và nông nghiệp chống chịu với biến đổi khí hậu trao đổi chia sẻ một số nội dung tại buổi tổng kết
Các đại biểu tham gia buổi tổng kết
Tại buổi tổng kết, các đại biểu đã tích cực thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho định hướng phát triển giai đoạn tới. Trong đó, các chuyên gia từ CSIRO nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến thực tiễn, bám sát nhu cầu thực tế của từng địa phương, đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi giá trị nông sản. Đại diện các tỉnh kiến nghị tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo chuyên sâu và tạo cơ chế chính sách thuận lợi hơn để các sáng kiến địa phương có thể triển khai rộng rãi và bền vững. Đại biểu doanh nghiệp và hợp tác xã cũng đề xuất cần có thêm các mô hình thí điểm cụ thể trong ngành cà phê, trái cây nhằm chuyển giao công nghệ hiệu quả hơn đến người sản xuất.
Bà Vũ Hương Mai – Quản lý đối tác của CSIRO thông qua định hướng ĐMST
và một số hoạt động trong giai đoạn tiếp
Với những định hướng này, Diễn đàn kỳ vọng tiếp tục là cầu nối hiệu quả giữa các bên trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Tây Nguyên trên bản đồ khu vực và quốc tế.
Phòng Truyền thông và TVTS