Cơ hội việc làm

QUY ĐỊNH

Về thực hiện tiểu luận môn học

 

Căn cứ Thông báo số 1785/TB-ĐHTN ngày 16/8/2021 của Hiệu trưởng về ….;

Căn cứ Quyết định số 2255/QĐ-ĐHTN ngày 06/12/2021 của Hiệu trưởng về “Qui định về công tác Khảo thí của trường Đại học Tây Nguyên”;

Căn cứ Kết luận cuộc họp Hội đồng Khoa khoa Ngoại ngữ ngày 10/12/2021; 

Khoa Ngoại ngữ thống nhất quy định về trách nhiệm các bên liên quan, hình thức viết và chấm, lưu trữ tiểu luận môn học như sau:

1. Giảng viên phụ trách học phần đề xuất chủ đề tiểu luận, Trưởng bộ môn phụ trách học phần/ nhóm học phần duyệt, số lượng tối thiểu 03 chủ đề/1 tín chỉ.

2. Giảng viên phụ trách học phần phổ biến cho sinh viên chủ đề và thời gian thực hiện tiểu luận.

3. Thời gian nộp tiểu luận là 10 ngày kể từ ngày kết thúc học phần hoặc kể từ ngày có lịch thi kết thúc học phần đó hoặc kể từ ngày đầu tiên của lịch thi học kỳ. Đối với sinh viên nộp tiểu luận qua đường bưu điện hoặc các dịch vụ chuyển phát khác thì thời hạn nộp căn cứ theo dấu bưu điện nơi chuyển đi đồng thời sinh viên phải giữ lại phiếu gửi (để làm căn cứ sau này).

4. Giảng viên phụ trách học phần trực tiếp nhận tiểu luận tại văn phòng bộ môn/ khoa và yêu cầu sinh viên ký nộp vào bảng điểm/ danh sách nộp tiểu luận. Trường hợp sinh viên nộp qua đường bưu điện thì sau đó sinh viên có thể đến gặp giảng viên để ký xác nhận vào danh sách này.

5. Mỗi tiểu luận do 2 giảng viên chấm. Trường hợp đặc biệt có thể do 1 giảng viên và trưởng bộ môn chấm. Điểm của tiểu luận là trung bình cộng (lấy đến 1 chữ số thập phân) của điểm chấm. Trường hợp điểm chấm của 2 giảng viên lệch từ 3 điểm trở lên thì 2 giảng viên thảo luận để thống nhất điểm. Nếu vẫn không thống nhất được điểm thì trưởng bộ môn cử 1 giảng viên khác chấm độc lập và lấy điểm này.

6. Trong vòng 5 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn nộp tiểu luận, giảng viên hoàn tất việc chấm tiểu luận, nộp 1 bảng điểm theo qui định và tiểu luận cho Trưởng bộ môn, đồng thời nộp 2 bảng điểm (có xác nhận của Trưởng Bộ môn) cho phòng Quản lý chất lượng. Bộ môn có trách nhiệm lưu trữ tiểu luận và kết quả chấm, phục vụ hậu kiểm khi cần thiết.

7. Thể thức và cấu trúc trình bày tiểu luận

7.1. Thể thức trình bày

Tiểu luận có thể viết tay hoặc đánh máy, sử dụng giấy trắng khổ A4 (210x297 mm).

Tiểu luận có từ 5 đến 9 trang (từ phần mở đầu đến phần kết luận, đánh số trang ở giữa lề dưới trang giấy).

Tiểu luận đánh máy sử dụng font chữ Times New Roman - UNICODE, cỡ chữ 14, soạn trên WORD, dãn dòng 1,5 line, lề trên 2cm, lề dưới 2cm, lề trái 3,5cm, lề phải 2 cm.

Mỗi tiểu luận có 1 trang bìa in giấy màu theo mẫu (phụ lục 1).

7.2. Cấu trúc tiểu luận

Mỗi tiểu luận gồm có 3 phần chính (1. Introduction; 2. Body; 3. Conclusion) (phụ lục 2), phần Tài liệu tham khảo (References) theo mẫu (phụ lục 3) và Phiếu chấm dành cho giảng viên cho điểm (phụ lục 4).

Qui định này áp dụng kể từ học kỳ I năm học 2021-2022. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề mới phát sinh thì Hội đồng khoa sẽ thảo luận và điều chỉnh cho phù hợp.

                    KHOA NGOẠI NGỮ