Sáng 23/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Lãnh đạo Tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk đã có buổi thăm và làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên.

Toàn cảnh làm việc

Mở đầu buổi làm việc, TS Nguyễn Thanh Trúc – Phó Bí thư ĐU - Hiệu trưởng Nhà trường đã báo cáo tổng quát về tình hình hoạt động của Trường trong thời gian qua: “Trường Đại học Tây Nguyên có 28 đơn vị thuộc và trực thuộc, trong đó 10 Phòng chức năng, 8 Khoa, 1 Trường mầm non, 1 Trường THPT, 1 Viện nghiên cứu, 5 Trung tâm, 1 Thư viện và 1 Bệnh viện.

Nhà trường đang đào tạo 35 ngành đại học với 8.620 sinh viên. đào tạo 12 ngành cao học và bác sĩ chuyên khoa I với 293 học viên; đào tạo 5 ngành tiến sĩ với 18 nghiên cứu sinh; giáo dục phổ thông có 719 học sinh và giáo dục mầm non có 221 cháu. Kết quả học tập của sinh viên chính quy qua các năm học ngày càng được nâng cao; kết quả tốt nghiệp đại học đúng niên hạn được cải thiện; tỉ lệ sinh viên có việc làm trong năm đầu tiên tăng (85%). Trong 3 năm gần đây, cán bộ viên chức và sinh viên trong trường đã thực hiện 317 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó, có 1 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cấp Bộ, 1 đề tài nghị định thư, 1 nhiệm vụ quỹ gien cấp quốc gia - Bộ KH&CN, 14 đề tài cấp Bộ, 7 đề tài cấp tỉnh và 2 đề tài Naforted…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Nhà trường thời gian qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: một số ngành đào tạo tuyển sinh không đạt chỉ tiêu; trường chưa có hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu và phần mềm tích hợp, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thống kê và báo cáo; số lượng, kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ GDĐT giao cho trường còn hạn chế so với nhu cầu và năng lực nghiên cứu của viên chức trong trường. Khoản thu chủ yếu của Trường là từ học phí tuy nhiên, thực tế tuyển sinh một số ngành giảm (một số ngành không có người học) trên tất cả các hệ đào tạo, do đó tổng thu được sử dụng cho hoạt động của trường bị thu hẹp…

TS Nguyễn Thanh Trúc – Phó Bí thư ĐU - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên đã báo cáo tổng quát tình hình hoạt động của Trường Đại học Tây Nguyên

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tại buổi làm việc, Lãnh đạo Nhà trường đã đề xuất với Đoàn công tác một số kiến nghị như: tăng số lượng và kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ưu tiên chương trình khoa học công nghệ cho Tây Nguyên; tăng cường nguồn lực đầu tư và cơ sở vật chất cho khối ngành nông nghiệp, công nghệ thông tin và Bệnh viện trường; đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm và triển khai các nghiên cứu chuyên sâu mang đặc thù vùng Tây Nguyên; đề nghị Bộ GDĐT kiến nghị Chính phủ có chính sách miễn, giảm học phí đối với các ngành nông lâm nghiệp nhằm thu hút người học, tạo nguồn lực nông lâm nghiệp cho khu vực Tây Nguyên và cả nước…

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ GDĐT cùng Trường Đại học Tây Nguyên thảo luận về vấn đề tự chủ tài chính; kiện toàn bộ máy theo đúng quy định, rà soát về quy chế hoạt động, tài chính, hệ thống văn bản, cơ cấu các phòng chuyên môn; cần cân đối chính sách đào tạo, đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu phát triển của Nhà trường để nâng cao chất lượng. Đối với những ngành khó tuyển sinh, Bộ sẽ làm việc với các ngành, tuy nhiên trường phải có kế hoạch, chọn ngành cốt lõi để phát triển địa phương, thực hiện nghị định 116, cơ chế đặc thù phát triển KHCN.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Để Trường Đại học Tây Nguyên ngày càng phát triển, đơn vị cần có đội ngũ nòng cốt, giữ chân người tài và nâng cao hệ thống quản trị, cùng với đó là những quyết sách mới. Từ đó, phát triển quy mô từ hơn 8.000 sinh viên lên đến 20.000, khi mạnh về đào tạo sẽ mạnh về nghiên cứu khoa học. Thứ trưởng đề nghị Trường cần có định hướng chiến lược, quyết tâm, xây dựng văn hoá tổ chức, đổi mới hệ thống giáo dục…”..

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, nội dung xuyên suốt trong thời gian làm việc tại Đắk Lắk và Trường Đại học Tây Nguyên là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với nhiều nội dung quan trọng. Đối với Bộ GDĐT trong đổi mới chung thì giáo dục và đào tạo ở 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là mối quan tâm đặc biệt bởi phát triển giáo dục và đổi mới cần phát triển ở vùng thuận lợi nhằm hội nhập quốc tế; đồng thời thực hiện công bằng trong giáo dục và các chính sách khu vực khó khăn nên cần quan tâm đến 3 khu vực trên. Về phía các trường đại học, ở khu vực Tây Nguyên thì Trường Đại học Tây Nguyên có vị trí quan trọng.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những cố gắng, đóng góp của Trường Đại học Tây Nguyên với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, cung cấp nguồn nhân lực… Mặc dù trong tình trạng khó khăn chung, nhưng Trường Đại học Tây Nguyên là đơn vị quy củ, nề nếp, mang bản sắc văn hoá… tạo ấn tượng với môi trường giáo dục tốt so với nhiều đơn vị khác.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng còn nhấn mạnh: “Trường Đại học Tây Nguyên cần phải có định vị, tầm nhìn về vị trí vai trò của Trường và sứ mệnh định hướng phát triển rõ ràng. Do đó cần lấy tư duy, tầm nhìn, tính chất, đòi hỏi của vùng… để định hướng phát triển cơ cấu ngành nghề, ưu tiên nghiên cứu đào tạo. Cần đưa đặc điểm vùng Tây Nguyên đi vào đặc điểm của nghiên cứu khoa học, cơ cấu đào tạo. Bộ trưởng lưu ý Nhà trường phân tích những thuận lợi hơn là khó khăn. Bởi so với khu vực Tây Bắc, Tây Nam Bộ thì Tây Nguyên có nhiều thuận lợi hơn, có vị trị đặc biệt nên rất được quan tâm.

Trong định hướng phát triển thời gian tới, Nhà trường cần tính vai trò của đơn vị trong khu vực. Ngoài phát triển tại khu vực Đắk Lắk cần tính đến việc hình thành thêm các phân hiệu trong 5 tỉnh Tây Nguyên... Việc phát triển đội ngũ các nhà khoa học có tính chất quyết định, Nhà trường cần có chính sách phát triển đội ngũ tại chỗ, đặt hàng… tăng tỷ lệ Tiến sĩ trong cơ cấu. Đồng thời cần có bài toán phát triển con người, thu hút nhân lực…", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Với Trường Đại học Tây Nguyên, Bộ trưởng cho rằng hiện tại đơn vị đang đóng vai trò là Trường đại học vùng, trọng điểm nhất Tây Nguyên nên Nhà trường không nên giới hạn thành trường Sư phạm trọng điểm. Là Trường đại học vùng lớn nên cần phải có nhóm phát triển công nghệ và kĩ thuật nông nghiệp. Bên cạnh đó xây dựng nhóm quản trị, quản lý về dân tộc tôn giáo, tín ngưỡng cần đòi hỏi lực lượng nhân lực chất lượng cao…

Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Tây Nguyên cần có đề án về phát triển đơn vị tầm nhìn 10 năm và xa hơn. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn sâu với thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng giao nhiệm vụ cho Vụ Tổ chức cán bộ, Sở GDĐT Đắk Lắk và nhà trường lên Đề án trình Bộ GDĐT để đưa Trường Cao đẳng Sư phạm về Trường Đại học Tây Nguyên. Với vị trí đặc biệt, quan trọng Bộ trưởng mong rằng Trường Đại học Tây Nguyên cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, Nghị quyết 23… để đưa trường phát triển trong tầm nhìn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm Trường THPT Thực hành Cao Nguyên

Bộ trưởng thăm Viện CNSH và MT

Bộ trưởng thăm Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ tưởng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Trường ĐHTN

Bộ trưởng, Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Trường chụp hình lưu niệm

Bộ trưởng, Thứ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị của Bộ, Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk, Lãnh đạo Trường và Lãnh đạo các đơn vị chụp hình lưu niệm

Phòng Truyền thông và TVTS