Vinaora Nivo Slider 3.x
1. Vị trí của Trung tâm

- Trung tâm Ứng dụng và Tư vấn kỹ thuật  Nông lâm nghiệp (Sau đây gọi tắt là Trung tâm ) là đơn vị độc lập; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc các lĩnh vực nông lâm nghiệp, trực thuộc Khoa Nông lâm nghiệp, trường đại học Tây Nguyên

- Trung tâm  được thành lập và phát triển dựa trên nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực từ trại Thực hành của khoa Nông Lâm nghiệp trước đây.

2. Chức năng, nhiệm vụ

2.1. Chức năng

- Phục vụ công tác đào tạo của Khoa và Nhà trường: Trung tâm là nơi để các cán bộ giảng dạy hướng dẫn thực tập môn học, thực tập giáo trình và rèn nghề cho sinh viên, triển khai thực hiện các chuyên đề, khóa luận, luận văn Thạc sỹ, luận án Tiến sỹ trong lĩnh vực kỹ thuật Nông Lâm nghiệp của sinh viên, học viên.

- Nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ trực tiếp cho sản xuất: Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án sản xuất thử của cán bộ và sinh viên thuộc khoa Nông lâm nghiệp

- Xây dựng, phát triển một số mô hình canh tác Nông lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế

- Tư vấnvà chuyển giao công nghệ  thuộc lĩnh vực KHKT Nông Lâm nghiệp: Chuyển giao các quy trình và sản phẩm giống cây trồng;  dịch vụ tư vấn, tập huấn khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực Nông lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh vùng Tây nguyên

2.2.          Nhiệm vụ

2.2.1      Phục vụ công tác đào tạo

Trung tâm sẽ là nơi để sinh viên thực tập, rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp, đây là cầu nối vô cùng quan trọng giữa lý thuyết và thực tế sản xuất. Trung tâm sẽ là nơi cung cấp các điều kiện và các vật liệu cơ bản cho các chuyên ngành đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Chế biến, Sinh học… Trung tâm sẽ là địa điểm để rút ngắn cự ly di chuyển của sinh viên khi thực tập các môn học cơ sở, một số môn chuyên ngành.

a) Thực tập môn học: 

-         Cung cấp các tiêu bản về các giống cây trồng, cây rừng để sinh viên có điều kiện tiếp xúc và thực hành. Những giống mới và quy trình sản xuất mới sẽ được thường xuyên cập nhật để sinh viên có cơ hội học tập.

-         Thực tập các quy trình, phương pháp trong phạm vi môn học : Đối với các môn học chuyên môn, sinh viên có cơ hội để thực hành các quy trình sản xuất mới.

-         Cung cấp vật liệu cho thực tập các môn học về Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Lâm sinh, Sinh học... giúp sinh viên có điều kiện quen với khả năng thực tế khi sản xuất các cây trồng, sử dụng chế phẩm sinh học.

b)  Rèn nghề

Là nội dung cơ bản trong đào tạo kỹ sư có năng lực thực hành giỏi; trong lĩnh vực này trung tâm sẽ cung cấp các hiện trường và điều kiện để sinh viên tham gia rèn nghề, sản xuất ra các sản phẩm với các quy trình sản xuất hiện đại về trồng trọt, lâm sinh.

c)  Thực tập giáo trình

Ngoài việc đưa sinh viên đi tham quan học tập, thâm nhập vào thực tiễn sản xuất xã hội để có điều kiện bổ sung kiến thức của các môn học, trung tâm với các điều kiện và quy trình sản xuất hiện đại sẽ là nơi để sinh viên học tập và so sánh.

2.2.2      Phục vụ nghiên cứu khoa học

-         Nơi triển khai các nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên cao học thuộc lĩnh vực chuyên môn

-         Nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, giáo viên và các nhà khoa học: Trung tâm sẽ là địa bàn quan trọng để tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính cơ bản hay thử nghiệm của nghiên cứu sinh, giáo viên và các nhà khoa học.

-         Trung tâm sẽ là nơi để các nhà khoa học nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm khoa học có ý nghĩa cho xã hội trong tương lai.

2.2.3      Triển khai các mô hình sản xuất Nông lâm nghiệp mang lại hiệu quả

- Dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học từ các đề tài, các dự án thử nghiệm, trung tâm tiến hành lựa chọn và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có khả năng mang lại thu nhập, tiến tới lấy thu bù chi như: Mô hình rau hữu cơ, hoa cây cảnh, lan thương mại…

- Là nơi để mọi người trong và ngoài trường  tham quan, học tập và tìm hiểu hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào sản xuất của Khoa và Nhà trường

2.2.4      Chuyển giao khoa học công nghệ

- Trung tâm là nơi sản xuất và cung cấp giống cây trồng có chất lượng cao chuyển giao cho sản xuất;  

- Phối hợp với cán bộ thuộc các bộ môn trong và ngoài khoa tiến hành các hợp đồng  huấn luyện, tư vấn công nghệ, kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất trong các lĩnh vực Nông Lâm nghiệp và các lĩnh vực khác.

3. Cơ cấu tổ chức của trung tâm

3.1. Tổ chức bộ máy

- Trung tâm trực thuộc Khoa Nông Lâm nghiệp.

- Tổ chức bộ máy của trung tâm hiện nay bao gồm:

  • 01 Giám đốc.
  • 01 Kỹ thuật viên cơ hữu
  • 14 Cán bộ giảng dạy và kỹ thuật viên làm công tác kiêm nhiệm (trong đó có 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, và 7 kỹ sư ) Những người này sẽ được điều động khi trung tâm có yêu cầu.

3.2 Cơ sở vật chất

- Trung tâm có khu đất để thực hiện các mô hình nông lâm nghiệp với diện tích 15.782m2  được trang bị hệ thống ống dẫn nước chính đến đầu các lô đất.

- Một nhà lưới 600m2  được trang bị đầy đủ hệ thống tưới phun mưa kết hợp với tưới nhỏ giọt

- Một nhà màng diện tích 300m2 được trang bị đầy đủ các hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, hệ thống thủy canh và khí canh. Phục vụ cho các nghiên cứu.

- Một nhà màn có diện tích 360m2 được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa phục vụ cho thực hiện các mô hình sản xuất.

3.3. Hiện trạng hoạt động

- Trung tâm hiện đang dùng diện tích khoảng 5000m2 để xây dựng mô hình canh tác rau hữu cơ do sinh viên thực hiện với sự tư vấn của giáo viên trong khoa

- Trung tâm đang xây dựng 2 mô hình sản xuất hữu cơ với diện tích 1000m2/mỗi mô hình (Trồng cà ngọt và khoai lan Nhật)

- 160m2  trong nhà lưới được dùng để xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển lan rừng, số còn lại trong nhà lưới này trồng rau, cây hoa, cây lâm nghiệp…

- Ngoài ra TT đang duy trì một vài mô hình sản xuất cho sinh viên thực tập như mô hình chè, mô hình cây phân xanh, mô hình cây dược liệu…

- TT đã sửa dụng nhà màn 300m2  phục vụ cho các đề tài nghiên cứu của sinh viên và cán bộ giảng dạy.

- TT đã đưa vào sản xuất trong nhà màn mới được đầu tư với diện tích 360m2  để sản xuất mô hình dưa lưới.

Kết quả bước đầu các mô hình cũng đã mang lại một số hiệu quả nhất định.