Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Một trong những bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra các biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc … Đó là bệnh viêm kết mạc.

Viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mi. Bệnh rất thường gặp (cấp tính chiếm tần suất mắc cao hơn mạn tính), có thể điều trị dễ dàng, đôi khi có biến chứng và có thể phòng tránh được.

Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi: trẻ em, người trưởng thành, người già. Viêm kết mạc dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch vào mùa xuân-hè.

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM KẾT MẠC THƯỜNG GẶP

Đau mắt đỏ - viêm kết mạc

VIRUS: là nguyên gây bệnh hay gặp nhất và là tác nhân chính của dịch viêm kết mạc, trong đó adenovirus chiếm 80% các trường hợp viêm cấp. Bệnh rất dễ lây lan do cơ chế lây lan qua đường hô hấp, bệnh nhân ngoài biểu hiện viêm kết mạc có biểu hiện toàn thân của một nhiễm siêu vi như sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi nước, có hạch góc hàm… Bệnh thường tự giới hạn và có thể tự khỏi trong vòng ngày. Tuy nhiên, cần điều trị tránh lây lan và biến chứng.

VI KHUẨN: gây viêm kết mạc thường gặp là staphylococus, hemophilus influenza… đứng thứ 2 sau virus, có thể gây ra những biến chứng nặng ở giác mạc nếu không được điều trị. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hay vật dụng dính dịch tiết chạm vào mắt. 

DỊ ỨNG (bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, hóa chất…), chiếm từ 15%- 40%, khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, tùy cơ địa mỗi người, thường xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát.

TRIỆU CHỨNG VIÊM KẾT MẠC

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ - viêm kết mạc

Các triệu chứng của viêm kết mạc tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, thường lây truyền sau 3-5 ngày khởi phát:

Viêm kết mạc do virus:

– Ghèn ít và trong, ngứa, chảy nước mắt – cộm xốn nhiều.

– Phù mi kết mạc, có thể có giả mạc.

– Giảm thị lực, chói sáng khi có biến chứng khô mắt – thâm nhiễm giác mạc.

– Có thể bị một hoặc cả hai mắt.

Viêm kết mạc do vi khuẩn:

– Ghèn nhiều và đặc, có màu vàng hay màu xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng.

– Ngứa, chảy nước mắt.

– Trường hợp nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi.

– Có thể bị một hoặc cả hai mắt.

Viêm kết mạc do dị ứng:

– Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, thường kèm theo viêm mũi dị ứng.

- Bệnh thường hay tái phát, thường ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

– Bệnh xảy ra cả hai mắt.

– Bệnh không lây.

CÁCH CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ VIÊM KẾT MẠC

Khi đau mắt đỏ, bạn không nên tự điều trị mà cần đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám, chẩn đoán xem có thật sự do viêm kết mạc hay không vì có những trường hợp đau mắt đỏ do viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, glôcôm …

Tùy vào nguyên nhân cụ thể bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp:

– Viêm kết mạc do virus: có thể chườm lạnh, rửa mắt bằng nước lạnh và sạch để giảm bớt triệu chứng khó chịu. Có thể nhỏ nước mắt nhân tạo kèm theo cộng với kháng sinh phòng bội nhiễm.

– Viêm kết mạc do vi khuẩn: sử dụng kháng sinh phổ rộng nhỏ và / hoặc mỡ tra mắt theo toa của bác sĩ chuyên khoa.

– Viêm kết mạc do dị ứng: tránh tiếp xúc tác nhân gây dị ứng, sử dụng kháng viêm – kháng dị ứng tại chỗ hay đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Nhỏ nước mắt nhân tạo rửa trôi và làm dễ chịu cảm giác ngứa.

Khám bệnh viêm kết mạc

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH VIÊM KẾT MẠC

Nếu chúng ta có những kiến thức cơ bản về bệnh viêm kết mạc chúng ta có thể tránh được sự lan truyền và nhiễm bệnh cho bản thân và người nhà.

– Sử dụng khăn, vật dụng cá nhân riêng trong gia đình và nơi làm việc.

– Không dụi mắt, che miệng- mũi khi khi tiếp xúc với người bệnh, ở nơi công cộng (trường học, bệnh viện, cơ quan… nơi có người bị viêm kết mạc).

– Rửa tay thường xuyên (bằng dung dịch rửa tay), đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bị viêm kết mạc.

Rửa tay bằng nước sạch phòng tránh đau mắt đỏ

– Nếu bạn sử dụng kính tiếp xúc cần được bác sĩ tư vấn và khám khi có các triệu chứng cộm xốn chảy nước mắt. Ngâm rửa vệ sinh kính tiếp xúc hằng ngày.

– Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, đặc biệt trong môi trường ô nhiễm khói bụi, mang kính khi bơi.

– Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin A, C, E…

– Vì viêm kết mạc có nhiều nguyên nhân và có thể gây nên giảm thị lực không hồi phục. nên bạn cần đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa mắt.

Bệnh viện Trường ĐHTN