Vinaora Nivo Slider 3.x

Chiều ngày 20 tháng 10 năm 2022, trường Đại học Tây Nguyên đã tiếp đón bà Vũ Hương Mai - Cán bộ Quản lý Chương trình Thương mại hóa khoa học - Aus4nnovation/CSIRO và ông Bạch Thanh Tuấn - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) đến làm việc.

Về phía trường Đại học Tây Nguyên có ông Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng; Ông Lê Đức Niêm – Phó hiệu trưởng; Bà Tống Thị Lan Chi - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Tỉnh Đắk Lắk cùng các cán bộ của trung tâm và ông Nguyễn Quang Vinh - Phó viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường

Tại buổi làm việc, bà Vũ Hương Mai đã giới thiệu và chia sẻ về Chương trình Hợp tác Thương mại hóa khoa học của chương trình hỗ trợ Aus4nnovation/CSIRO và đưa ra lời đề nghị trường Đại học Tây Nguyên cùng hợp tác tham gia.

Aus4Innovation (2018-2022) là chương trình hỗ trợ có ngân sách 14,5 triệu đô la Úc do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ và được quản lý bởi cơ quan khoa học quốc gia của Úc - CSIRO với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho các cơ hội liên quan đến Công nghiệp 4.0, đồng thời giúp hình thành chương trình phát triển về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Ông Bạch Thanh Tuấn - giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) hiện là Đơn vị điều phối của Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên đã chia sẻ về tầm quan trọng của Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên, những tiềm năng, cơ hội và thách thức trong thời đại hiện nay.

Về phía nhà trường, Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Trúc đã gửi lời chào mừng tới các chuyên gia và thể hiện sự nhất trí cao thống nhất sẽ có lộ trình hợp tác có trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình. Đối với nhà trường, mục đích của chương trình hỗ trợ Aus4Innovation và đặc biệt là hợp phần Hợp tác Thương mại hóa Khoa học rất phù hợp và cũng đang là nhu cầu cấp thiết đối với nhà trường - một đơn vị giáo dục hàng năm có rất nhiều công trình khoa học công nghệ do các giảng viên, sinh viên thực hiện liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm khu vực Tây Nguyên cần sự kết nối hiệu quả với các đối tác doanh nghiệp cũng như việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện hai bên đã đồng thuận nhất trí cao trong việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo của Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên mà Đại học Tây Nguyên sẽ đóng vai trò là đơn vị chủ chốt đồng tổ chức. Bên cạnh đó, dự án sẽ hỗ trợ cho nhà trường về mặt tài liệu cũng như kết nối và hỗ trợ khóa huấn luyện nâng cao năng lực cho các cá nhân có tiềm năng trở thành huấn luyện viên/cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những hoạt động này sẽ không chỉ có ý nghĩa nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giảng viên và sinh viên trong và ngoài trường, mà còn góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, xây dựng mạng lưới kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên... tăng năng lực cạnh tranh của trường đại học.

 Trung Tâm ĐMST tỉnh Đắk Lắk