• Thông báo về việc hướng dẫn các PP giảng dạy và học tập tích cực để người học đáp ứng CĐR các CTĐT tại Trường

    THÔNG BÁO

    Về việc hướng dẫn các phương pháp giảng dạy và học tập tích cực để người học đáp ứng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo tại Trường


     

    Kính gửi: Lãnh đạo các khoa

    Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành Công văn số 2196/BGDĐT-GDĐH ngày 22/4/2010 chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xây dựng chuẩn đầu ra (CĐR) đối với các ngành đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục;

    Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 quy định CĐR là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo (CTĐT), được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện bảo đảm thực hiện;

    Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/10/2016 quy định CĐR bao gồm: Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn;

    Nhà trường đã ban hành Thông báo số 634/TB-ĐHTN-ĐTĐH ngày 16/3/2020 về việc cập nhật và đánh giá chương trình đào tạo, trong đó quy định rõ yêu cầu việc rà soát và cập nhật CĐR của CTĐT;

    Nhằm thực hiện các quy định của Nhà nước, của ngành giáo dục; đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo của Nhà trường phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế tự chủ đại học đã được quy định tại Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung (năm 2018); Với mục tiêu không ngừng cải tiến chất lượng theo chu trình P-D-C-A, đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng các CTĐT, đổi mới phương pháp dạy và học để bảo đảm người học đáp ứng CĐR các CTĐT tại Trường;        

    Nhà trường yêu cầu các khoa trên cơ sở CĐR của CTĐT đã được cập nhật ban hành, triển khai đến toàn thể giảng viên thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

    - Bám sát CĐR của CTĐT làm cơ sở để thiết kế nội dung dạy học, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số;

    - Thiết kế chiến lược dạy học; phương pháp giảng dạy; áp dụng các phương pháp dạy học tích cực theo hướng tiếp cận năng lực, lấy người học làm trung tâm;

    - Tích cực đổi mới, cải tiến chất lượng theo chu trình trình cải tiến liên tục P-D-C-A của hoạt động dạy và học, phấn đấu để đáp ứng với yêu cầu đạt chuẩn đầu ra cho người học.

    Thời gian thực hiện: áp dụng cho cập nhật CTĐT từ năm 2020.

    Nhà trường yêu cầu các khoa nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần phản hồi về Nhà trường thông qua phòng Quản lý chất lượng để tham mưu Lãnh đạo Trường điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn./.

    Read more
  • [Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021] Quy định mới về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học

    Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, ngày 22/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (sau đây gọi là Thông tư).

     

    Căn cứ mở ngành, tuyển sinh, đào tạo và giám sát

    Quy định này là căn cứ để Bộ GDĐT ban hành các quy định về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, liên thông trong đào tạo, các tiêu chuẩn đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo (CTĐT).

    Thông tư là cơ sở GDĐH xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, đánh giá và cải tiến CTĐT; xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận CTĐT của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng CTĐT;

    Căn cứ Thông tư, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về CTĐT và bảo đảm chất lượng CTĐT; các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo.

    Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT cũng là cơ sở để xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn CTĐT của các ngành, nhóm ngành của từng lĩnh vực đối với từng trình độ để thực hiện Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020 – 2025. Điều này góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ ASEAN.

    Cách tiếp cận xây dựng bảo đảm chất lượng toàn hệ thống CTĐT phù hợp với quy trình quản lý chất lượng của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Cách tiếp cận này cũng được các tổ chức kiểm định của Đông Nam Á (AUN) và Hoa Kỳ sử dụng để tích hợp vào các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

    Do đó, Thông tư sẽ giúp các cơ sở GDĐH cùng một lúc có thể vừa xây dựng và triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (theo yêu cầu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH) hiệu quả hơn, vừa sẵn sàng có minh chứng về chất lượng đào tạo để tham gia vào kiểm định CTĐT, khẳng định uy tín, thương hiệu của mình với các bên liên quan và toàn xã hội.

    Đáng chú ý, để đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, Thông tư không quy định cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc” mà quy định những yêu cầu cơ sở GDĐH cũng như các bên liên quan cần thực hiện trong mỗi nội dung công việc liên quan đến chất lượng các CTĐT.

    Là những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà tất cả CTĐT cần phải đáp ứng nên khi thực hiện theo Thông tư này, các cơ sở GDĐH hoàn toàn được tự chủ và linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển các CTĐT để khẳng định uy tín, thương hiệu của mình.

    Công cụ nâng cao chất lượng đào tạo

    Với tiếp cận quản lý chất lượng đầu ra, Thông tư được xem như một công cụ quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Các quy định của Thông tư đã cập nhật những kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với các nước trong khu vực và trên thế giới.

    Trước tiên, Thông tư yêu cầu việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các CTĐT phải đảm bảo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như chuẩn chương trình theo nhóm ngành, lĩnh vực. Quy định này giúp quản lý được chất lượng đào tạo đồng bộ, tránh tình trạng cùng một ngành ở cùng một trình độ đào tạo tại các trường khác nhau nhưng không đảm bảo những chuẩn mực chung tối thiểu để đào tạo ra nhân lực của ngành nghề đào tạo đó.

    Với tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc “đánh giá đạt chuẩn đầu ra CTĐT” được xem là một yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo. Theo đó, các cơ sở GDĐH không chỉ minh bạch chuẩn đầu ra cho các bên liên quan mà còn phải cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt những chuẩn đầu ra mà cơ sở GDĐH đã tuyên bố với người học và các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

    Không những vậy, quản lý chuẩn đầu ra còn phải “sử dụng kết quả đánh giá CTĐT để cải tiến chất lượng liên tục”. Đây chính là triết lý chính của bảo đảm chất lượng mà các nhà giáo dục trên thế giới đang hướng đến, các nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng.

    Cách tiếp cận này sẽ là “cú hích” để cơ sở GDĐH thực hiện cải tiến chất lượng liên tục các CTĐT.

    Những yêu cầu về quản lý chất lượng đầu ra trong quy định này cũng hỗ trợ cơ sở GDĐH xây dựng “hệ thống” bảo đảm chất lượng đồng bộ toàn trường để các CTĐT đều cùng hưởng lợi trong mô hình sinh thái đó.

    Như vậy, các quy định về chuẩn CTĐT đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành để phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với CTĐT, làm cơ sở đối sánh trong quá trình kiểm định CTĐT. Nhờ đó, các cơ sở GDĐH hình thành cơ chế “tự bảo vệ sức khỏe” bền vững cho các CTĐT; tạo tiền đề quan trọng để các CTĐT đạt được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước cũng như quốc tế.

    * Xem chi tiết nội dung Thông tư trong file đính kèm.

    Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ GDĐT

    Read more